Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ra đời năm 2007 (hiệu lực từ ngày 1/7/2008) quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Hiện nay hàng hóa “lưu thông” trên không gian mạng phát triển mạnh mẽ và đòi hỏi công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cần được chú trọng nhiều hơn nữa.

quan-ly-chat-luong-hang-hoa-1738071783.jpg
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 (có hiệu lực ngày 1/7/2008).

Khoản 5 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã nêu: “Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”.

Theo đó, có thể thấy chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xác định dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Nói cách khác, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là thước đo giá trị, là công cụ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Nhà nước. Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, được công bố dưới dạng văn bản và áp dụng tự nguyện. Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật, yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải tuân thủ, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và bắt buộc áp dụng. 

Vể nội dung quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Điều 6 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định rõ như sau:

1. Quản lý chất lượng hàng hoá nhập khẩu:

Việc quản lý chất lượng hàng hoá nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 2 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.

2. Quản lý chất lượng hàng hoá xuất khẩu:

Việc quản lý chất lượng hàng hoá xuất khẩu áp dụng theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 3 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ và các quy định của nước nhập khẩu.

3. Quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường:

Việc quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường áp dụng theo quy định tại Mục 5 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 4 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ, các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định của nước nhập khẩu.

4. Quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất:

a) Đối với sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng của người sản xuất, việc quản lý chất lượng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BCT ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

b) Đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương được quy định theo từng thời kỳ và sản phẩm, hàng hóa được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc quản lý chất lượng được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định tại Thông tư này.

5. Quản lý chất lượng hàng hoá trong quá trình sử dụng:

Việc quản lý chất lượng hàng hoá trong quá trình sử dụng thực hiện theo quy định tại Mục 6 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 5 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ…

Từ đó đã thấy được tầm quan trong của công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, yêu cầu phải đổi mới phương thức quản lý, đảm bảo giá trị sản phẩm, hàng hóa và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thực sự cấp thiết.